Các thiết bị công nghệ đeo trên người như đồng hồ thông minh được coi là cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, nhưng chắc chắn bạn sẽ kinh ngạc hơn nữa khi chứng kiến một lĩnh vực mới: Internet tích hợp với cơ thể – IoB. Vậy IoB là gì và có tiềm năng ứng dụng như thế nào? Hãy cùng khám phá nhé!
Chúng ta đã quen thuộc với Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), đó là các thiết bị được kết nối với nhau thành mạng lưới có thể chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động để hỗ trợ cuộc sống của con người. Tương tự như vậy, IoB – Internet of Bodies là lĩnh vực công nghệ gồm các thiết bị được tích hợp vào cơ thể người, giúp cung cấp thông tin và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Những tiến bộ trong lĩnh vực này đã tạo ra những thiết bị không chỉ đeo trên cổ tay hay nhét vào túi của người dùng, mà còn được đưa vào bên trong cơ thể. Đây không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa mà đã hiện hữu trong thực tế, khiến bản thân con người trở thành một điểm kết nối trong mạng lưới Internet rộng lớn.
Sau đây hãy cùng tìm hiểu hiểu sâu hơn về ý nghĩa thực sự của IoB, ứng dụng trong thực tế và viễn cảnh công nghệ này có thể định hình tương lai như thế nào.
Sự phát triển từ IoT đến IoB
Để hiểu được ý nghĩa to lớn của IoB, trước tiên hãy cùng nhìn lại phiên bản tiền nhiệm của nó: Internet of Things – IoT. Khi những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên có khả năng kết nối với đồng hồ thông minh, mọi người đã vô cùng kinh ngạc và có cảm giác như đang sống trong bộ phim viễn tưởng Star Trek. Đó là sự thần kỳ của IoT, giúp các thiết bị kết nối với Internet để thu thập và trao đổi dữ liệu, giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn chưa từng thấy.
Nếu IoT giúp các thiết bị kết nối với nhau thì IoB được nâng lên một tầm cao mới, đưa sự kết nối vào cơ thể con người. Với IoB, các thông số sinh học của cơ thể như nhịp tim, lượng đường trong máu, thậm chí các tín hiệu thần kinh cũng có thể tham gia vào mạng lưới kết nối kỹ thuật số.
Mạng lưới kết nối của các thiết bị, cả bên trong và bên ngoài cơ thể, có khả năng tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, giúp chúng ta hiểu và tương tác với cơ thể của chính mình theo cách chưa từng có trước đây. Các tế bào bên trong cơ thể sẽ trở thành một phần của mạng lưới rộng lớn, tạo ra trải nghiệm kết nối thực sự chặt chẽ của con người. Từ IoT đến IoB, chúng ta không chỉ đeo các thiết bị công nghệ nữa mà sẽ kết hợp với công nghệ thành một.
Công nghệ cấy ghép trong cơ thể
Ví dụ đơn giản nhất về công nghệ y học cấy ghép có lẽ là máy tạo nhịp tim. Thiết bị nhỏ này được cấy trong ngực của người bệnh để điều chỉnh nhịp tim, tránh những hiện tượng rối loạn nhịp có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Nó theo dõi và phát hiện bất kỳ nhịp đập bất thường nào và đưa chúng trở lại bình thường bằng cách phát ra xung điện chính xác. Nó không chỉ là một thiết bị công nghệ mà còn là cứu tinh cho những người mắc bệnh tim.
Các thiết bị cấy ghép khác, chẳng hạn như thiết bị theo dõi đường huyết G6 của thương hiệu Dexcom, được cấy dưới da và liên tục theo dõi lượng đường trong máu của người bệnh. Đây là thiết bị cực kỳ hữu ích đối với những người mắc bệnh tiểu đường, dữ liệu được ghi nhận theo thời gian thực và được chuyển đến điện thoại thông minh, do đó không cần chích ngón tay để lấy máu thử đường huyết thường xuyên.
Một thiết bị cấy ghép hiện đại khác đang thu hút nhiều sự chú ý trên thế giới là thiết bị Neuralink, sản phẩm của công ty công nghệ sinh học đầy tham vọng do tỷ phú Elon Musk sáng lập. Được thiết kế để cấy vào não của người, con chip nhỏ bé này có nhiệm vụ giải mã các tín hiệu thần kinh với mục đích điều trị các rối loạn và cuối cùng là nâng cao khả năng trí óc của con người.
Từ việc khôi phục chức năng vận động cho những người bị chấn thương tủy sống đến khả năng hỗ trợ con người điều khiển các thiết bị bằng suy nghĩ, Neuralink đang đi sâu vào lĩnh vực mới mẻ chưa được khám phá và thay đổi hoàn toàn sự tương tác của con người với công nghệ.
Công nghệ ăn được
Công nghệ cũng đang bước vào thời đại “ăn được”, đó là khi các thiết bị không được đeo hoặc cấy ghép trên cơ thể mà bị nuốt chửng vào đường tiêu hóa. Nói cách khác, đây là những thiết bị công nghệ có kích thước siêu nhỏ cỡ viên thuốc.
Một ví dụ là cảm biến nhiệt độ lõi cơ thể CorTemp của công ty HQ Inc. Sau khi được nuốt vào, thiết bị siêu nhỏ này sẽ theo dõi nhiệt độ lõi cơ thể theo thời gian thực, cung cấp dữ liệu có giá trị cho các đối tượng người dùng đặc biệt như vận động viên, lính cứu hỏa và những người hoạt động trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Hệ thống ID-Cap của etectRx được tạo ra với mục đích nhắc nhở mọi người tuân thủ dùng thuốc. Khi bạn uống thuốc thông qua viên thuốc thông minh này, tín hiệu sẽ được gửi đến đầu đọc bên ngoài cơ thể xác nhận rằng thuốc đã được uống. Điều thú vị là thẻ ID trong viên thuốc được cung cấp năng lượng từ dịch dạ dày của chính người dùng, và sau khi viên nang tan ra, cảm biến siêu mỏng sẽ đi qua đường tiêu hóa của bạn mà không gây ảnh hưởng gì.
Sinh trắc học được kết nối
“Ngôn ngữ cơ thể” không chỉ là các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, mà với sự ra đời của IoB, cơ thể chúng ta thực sự có khả năng “nói” nhiều điều thông qua các dữ liệu sinh trắc học. Các thông tin này không chỉ có ý nghĩa về thống kê mà còn được xem là chìa khóa để cá nhân hóa việc chăm sóc sức khỏe.
Chẳng hạn, máy theo dõi nhịp tim của iRhythm không chỉ lắng nghe tiếng đập thình thịch của trái tim mà còn liên tục ghi lại và phân tích nhịp tim của bạn, chuyển đổi tín hiệu đó thành dữ liệu có thể giúp phát hiện những hiện tượng bất thường, ví dụ như rung tâm nhĩ, và ngăn chặn chúng từ rất sớm để bảo vệ sức khỏe.
Như vậy IoB sẽ mở ra kỷ nguyên mới của chăm sóc sức khỏe, trong đó cơ thể chúng ta không chỉ là tập hợp các cơ quan sinh học mà còn là một cỗ máy phát ra dữ liệu, cùng với đó luôn có các thiết bị công nghệ giúp giải mã tín hiệu của cơ thể.
IoB sẽ thay đổi tương lai như thế nào?
Chúng ta đã quen với việc sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của mình một cách an toàn và nâng cao sức khỏe. Nhưng hãy tưởng tượng viễn cảnh xa hơn: bác sĩ của bạn trong một cuộc video call không chỉ lắng nghe lời kể của bạn mà còn nhận được các dữ liệu và chỉ số từ cơ thể bạn cập nhật theo thời gian thực. Nói cách khác, bác sĩ có khả năng thấu hiểu cơ thể người bệnh để đưa ra tư vấn chính xác hơn nhiều so với hiện nay.
Một ví dụ khác, hãy tưởng tượng trong tương lai các thiết bị theo dõi thể dục được cấy dưới da bạn thay vì đeo trên cổ tay như hiện nay. Chúng có thể theo dõi các thông số phức tạp như mức độ thiếu nước của cơ thể hay tích tụ axit lactic trong cơ bắp theo thời gian thực. Nhờ có IoB, các thiết bị hỗ trợ tập thể dục có thể được thu nhỏ và nằm gọn bên trong cơ thể bạn, ghi lại và báo cáo một loạt các số liệu về hoạt động thể chất của bạn.
Công nghệ mới này cũng có thể làm thay đổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thật tuyệt vời khi các thiết bị có thể đưa ra cảnh báo sớm về các vấn đề như trầm cảm hoặc lo âu bằng cách theo dõi các chất hóa học thần kinh của cơ thể. Đây là lĩnh vực đầy hứa hẹn của IoB, giúp nâng cao sức khỏe tâm thần của mọi người một cách hiệu quả.
Cuối cùng, các thiết bị IoB theo dõi giấc ngủ có thể được cấy ghép nhằm theo dõi các giai đoạn ngủ và chất lượng giấc ngủ. Rất nhiều người hiện nay gặp vấn đề về giấc ngủ, và hầu hết các thiết bị đeo trên người không có khả năng theo dõi giấc ngủ hiệu quả, do đó IoB có thể là giải pháp giúp chúng ta có được thông tin chính xác về giấc ngủ của mình và tìm cách cải thiện.
Tóm lại, IoB là một phương thức sử dụng công nghệ nhằm đạt đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống của con người. Những công nghệ như vậy sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về sức khỏe, thể lực và tiềm năng của cơ thể mình.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Headset Vision Pro của Apple sẽ mở ra kỷ nguyên mới thay thế iPhone?
- Trí tuệ nhân tạo: Sự tiến bộ của công nghệ hay mối đe doạ tới cuộc sống con người?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình muốn biết suy nghĩ của các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận và mình sẽ trả lời và phản hồi các bạn sớm nhất có thể.